Ý nghĩa bài hát[2] Hạ_trắng

Bài hát bắt đầu bằng những hình ảnh gọi về trong giấc mơ thơm mùi dạ lý hương và nỗi bâng khuâng của một người cả đời nằm mộng:

“Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay

Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say

Lối em đi về trời không có mây

Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy”.

Hình ảnh thiếu nữ mình hạc xương mai đã quanh quẩn trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Với Hạ trắng, bờ vai gầy một lần nữa bước ra từ cõi mơ, gợi cảm hứng cho tác giả. Bóng người thiếu nữ, màu hoa trắng hư ảo và nắng vàng như rót mật đã xoá nhòa ranh giới giữa thực tại và trầm mê, đưa thi sĩ mộng du trong giai điệu buồn hiu hắt vọng về từ tiềm thức. Ở đó, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự chia ly đau buồn vẫn luôn bám riết trái tim kẻ si tình “ở trọ chốn trần gian”:

“Bước chân em về nào anh có hay

Gọi em cho nắng chết trên sông dài”.

Không thể phủ nhận mối tình sống chết bên nhau của hai cụ già mà nhạc sĩ chứng kiến đã thôi thúc nên những lời ca da diết: “Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Nhưng nếu ai nghe nhạc Trịnh nhiều sẽ hiểu, ám ảnh về cái chết chính là động lực nung nấu niềm khát khao sống, khát khao yêu từ tận sâu thẳm trái tim ông.

Có rất nhiều người tình đã đến và đi trong cuộc đời nhưng không vì thế mà Trịnh Công Sơn bớt cô đơn giữa trần gian. Càng cô đơn ông càng khao khát. Càng mộng mị ông càng vùng vẫy gọi: gọi nắng, gọi em, gọi đời… Hạ trắng là một bài thơ trùng điệp những lời mời gọi tuyệt vọng đến đứt hơi, cạn lời mà ông gửi lại nhân gian.[2]